Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Tìm hiểu một số phong tục cổ truyền của người Việt qua tục ngữ

http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/22217
Tục ngữ ca dao cùng với những thành phần khác trong văn học dân gian Việt Nam được coi là nền văn học khởi nguồn. Cũng giống như Kinh Thi và văn học cổ Trung Hoa, không những khởi nguồn cho riêng văn học mà còn là khởi nguồn cho cả các ngành khoa học tự nhiên, xã hội và nhất là cho việc nghiên cứu về đạo đức, nhân văn.
Nếu nói dân tộc Việt Nam đã có 4000 năm lịch sử, thời tục ngữ ca dao Việt Nam cũng đã có 4000 năm tuổi.
Tục ngữ ca dao phản ảnh mọi mặt cuộc sống của người dân Việt Nam, qua quá trình lịch sử. Đó là một bức tranh sinh động, phong phú, đầy mầu sắc Việt Nam.
Tục ngữ ca dao đã thể hiện được một cách sâu sắc rực rỡ thế giới quan, nhân sinh quan của nhân dân Việt Nam từ thượng cổ cho đến sau này.
“Tục ngữ ca dao đã diễn đạt được rất hoàn hảo toàn bộ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội lịch sử của nhân dân lao động”

1- Đó là những quan niệm về trời, đất, về nguồn gốc con người.
2- Phản ảnh công cuộc đấu tranh chống thiên nhiên, chống áp bức bóc lột và xâm lược.
3- Những kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, gieo trồng mùa vụ.
4- Những kinh nghiệm trong sinh hoạt thường ngày.
5- Những điều cần giáo dục truyền bá cho nhau về cách sống làm người.

Sở dĩ người xưa dùng tục ngữ ca dao làm lợi khí sáng tác là vì:
a) Tục ngữ, ca dao, nhất là tục ngữ rất ngắn gọn dễ sáng tác, dễ nhớ và dễ truyền miệng.
b) Ngôn ngữ hàm súc, ít lời nhưng nhiều ý.
c) Có hình ảnh phong phú.
d) Có vần nhịp.
e) Có nhạc điệu.

Tục ngữ là những kinh nghiệm sống có tính trí tuệ, thiên về lý tính. Tục ngữ thường có nghĩa đen, nghĩa bóng, giá trị chủ yếu là ở nghĩa bóng, bởi nghĩa bóng mới có sức hàm chứa được nhiều ý và mới nâng cao được tác dụng giáo dục. Ca dao cũng làm nhiệm vụ như tục ngữ, nhưng thiên về trữ tình. Ca dao thường giàu hình ảnh, nhạc điệu. Ca dao không phải chỉ có hai câu mà thường là thành bài. Nhờ vậy, ca dao có khả năng diễn đạt không những có tính hiện thực sâu mà lại còn có tính lãng mạn cao. Nhiều bài tình cảm được mở rộng, khiến cho ý tình như được chắp cánh bay lên - Nhiều bài đạt được trình độ nghệ thuật mẫu mực, có giá trị như thơ ca cổ điển:

Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây,
Công cha cũng nặng, nghĩa thầy cũng cao.
Muốn sang thời bắc Cầu Kiều,
Muốn con hay chữ, thời yêu lấy thầy.

Người xưa đã dùng tục ngữ ca dao để truyền bá lối sống, đạo đức. Những lời răn dạy ấy ân cần tha thiết yêu thương như tiếng nói của một người mẹ hiền. Người mẹ hiền Tổ quốc:

1- Đó là những lời răn dạy về cách ăn ở trong gia tộc.
2- Những lời răn dạy về nói năng giao tiếp.
3- Những lời răn dạy về nhân đức.
4- Những lời răn dạy về việc học hành.
5- Những lời răn dạy về đức hạnh người con gái.
6- Những răn dạy về giữ gìn tình nghĩa vợ chồng.
7- Những răn dạy về tu thân lập nghiệp.
8- Những răn dạy về đoàn kết, tương thân tương ái.
9- Thế thái nhân tình.
10- Nêu gương yêu nước, chống áp bức bóc lột xâm lược.
11- Và những điều cần phải tránh.

Những lời răn dạy ấy là những bài học quý giá, rất phong phú đa dạng, những chuẩn mực về lối sống và nhân cách Việt Nam, đậm đà bản sắc Việt Nam.
Đó là một cuốn sách giáo khoa có giá trị vào loại bậc nhất (nếu không nói là độc nhất vô nhị) về luân lý và đạo đức học, vì đấy là cái nền để rồi đến khi hấp thu được tư tưởng đạo đức mới của thời đại mới, mới có thể trở thành được những con người Việt Nam vừa dân tộc vừa hiện đại. Đó là một mẫu người Việt Nam đẹp nhất, những con Rồng cháu Tiên xuất hiện dưới thời đại Bác Hồ, sẽ là những người Việt Nam có tâm hồn đạo đức đẹp nhất từ xưa đến nay. Cái đẹp của người Việt Nam mới là sự hợp thành bởi hai sắc thái đạo đức Truyền thống và Hiện đại. Hai yếu tố ấy như là hai phần trong một cơ thể Người - Thiếu đi một phần sẽ trở nên “bất thành nhân dạng”, không thể nào trở thành được một Con người mới, của Thời đại mới.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét